Từ 10/3, tất cả người dân Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế. Vậy người dân có thể khai báo ở đâu, các bước như thế nào?
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu, từ 10/3 sẽ thực hiện khai báo y tế toàn dân. Hiện cổng hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế đã chính thức được mở.
Có 3 kênh người dân có thể khai báo y tế toàn dân bao gồm:
Thứ nhất: Truy cập cổng khai báo điện tử:
https://suckhoetoandan.vn/ hoặc khaibaoyte.vn để điền các thông tin.
Thứ hai: Qua app NCOVI
Link down App cho điện thoại Android: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.vnptit.innovation.ncovi
Link down App cho điện thoại iPhone: cập nhật
Lưu ý: Ứng dụng nCovi MobiFone trên AppStore chỉ dùng nội bộ cho nhân viên MobiFone
Thứ ba: Người nhập cảnh vào Việt Nam
Đối với người nhập cảnh vào Việt Nam có thể quét mã QR qua điện thoại thông minh tại các sân bay để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo.
Sau khi điền đầy đủ thông tin, người dân cần nhập mã xác thực – mã bảo mật. Cuối cùng, nhấn gửi tờ khai.
Giao diện hệ thống khai báo y tế
Trên bảng thông tin khai báo, ngoài ngôn ngữ tiếng Việt đã có thêm tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran, Nhật Bản, Nga và Campuchia. Các ngôn ngữ khác sẽ tiếp tục được bổ sung.
Các thông tin khai báo bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, quốc tịch, số hộ chiếu, phương tiện đi lại, tình trạng sức khoẻ trong 14 ngày (ho, khó thở, sốt, đau họng, buồn nôn, tiêu chảy…), lịch sử phơi nhiễm trong vòng 14 ngày như có từng đi qua các trang trại chăn nuôi, buôn bán động vật, có tiếp xúc gần dưới 2 m với người mắc Covid-19…
Riêng những hành khách xuất, nhập cảnh vào Việt Nam, sau khi khai báo thông tin đầy đủ, sẽ qua gặp nhân viên kiểm dịch y tế để lấy bản xác nhận trước khi qua quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Sau khi khai báo, tất cả thông tin sẽ được lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch.
Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe của từng cá nhân để kịp thời liên lạc, hỗ trợ, theo dõi sức khoẻ trong các tình huống cần thiết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp, Trung tâm đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp cho biết, với những người không sử dụng điện thoại hay máy tính, các thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ khai báo, nếu khai báo không trung thực sẽ bị xử phạt.
‘’Khai báo y tế để phục vụ phòng chống dịch, do đó người dân cần hết sức tự giác, có trách nhiệm không chỉ vì sức khoẻ bản thân mà cho cả gia đình và cộng đồng. Việc khai báo sớm, trung thực sẽ giúp cơ quan chức năng cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, tránh lây lan”, PGS Phu nhấn mạnh.
Trước đó từ 0h ngày 7/3, Bộ Y tế cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tiếp tục triển khai áp dụng tờ khai y tế thông thường và điện tử đối với tất cả khách đến hoặc đi qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Campuchia.