FPS – bắn súng góc nhìn thứ nhất – là một trong những thể loại game phổ biến nhất và thành công nhất từ trước đến nay. Ban đầu game tập trung vào mục chơi đơn (singleplayer) là chính, nhưng sau này nhờ có Internet rộng khắp mà chế độ chơi mạng (multiplayer) dần “chiếm diễn đàn” nhiều hơn. Mặc dù sự thật là thế, game thủ vẫn tỏ ra phấn khích với những game FPS có chế độ chơi đơn đặc sắc, thú vị. Sau đây là top 10 tựa game có mục chơi đơn định hình cả thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất.
Titanfall 2
Titanfall là series FPS tuy hay nhưng xúi quẩy là ít được game thủ biết đến. Phần lớn nhân viên tại studio Respawn đến từ nhà phát triển Infinity Ward – vốn nổi tiếng với series Call of Duty huyền thoại. Chính vì thế, dĩ nhiên là họ sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc làm game bắn súng.Dự án đầu tiên của Respawn là trò Titanfall bắn robot ra mắt vào năm 2014, và nó cũng đã có được mức độ thành công nhất định. Tuy nhiên, phần này chỉ tập trung vào chế độ chơi mạng (multiplayer) chứ không có mục chơi chiến dịch (campaign), khiến game thủ hụt hẫng.
Thế là trong phần 2, Respawn quyết định nâng cấp đứa con tinh thần của mình lên một tầm cao mới, với mục chơi đơn xoay quanh nhân vật Jack Cooper cùng con robot Titan BT-7274 chinh chiến vượt bao hiểm nguy.
Và cái hay của mục chơi đơn này nằm ở cách mà Respawn đã xây dựng mối quan hệ bền chặt và đầy cảm động giữa Jack và BT-7274. Nó cho thấy giữa người và robot tưởng chừng như hoàn toàn khác nhau nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng. Chỉ tiếc rằng do EA phát hành game ngay giữa đợt ra mắt của 2 ông lớn là Battlefield và Call of Duty nên có phần bị lu mờ trước đàn anh, dù Titanfall 2 chẳng hề kém cạnh gì.
Wolfenstein: The New Order
Kể từ những năm 1990, dòng game Wolfenstein đã tạo được tiếng vang trong làng game FPS. Nhờ có lối combat đầy kịch tính và phong cách steampunk nên khi Return To Castle Wolfenstein ra mắt vào năm 2001, game vẫn thu hút đông đảo fan hâm mộ.
Sau này thì có MachineGames nhảy vào cuộc chơi, bẻ lái series này sang hướng mới hoàn toàn với bản Wolfenstein The New Order ra mắt năm 2014. Cụ thể thì họ đã bỏ mục chơi mạng và tập trung hoàn toàn vào chế độ chơi chiến dịch, và đó là một quyết định sáng suốt các bạn ạ.
The New Order đã nhận được vô số lời khen từ fan lẫn giới phê bình nhờ có cốt truyện đưa người chơi vào vai nhân vật B.J Blaskowicz trong một thế giới đầy tàn bạo đang bị lũ phát xít thống trị. Thế là Blaskowicz phải tìm cách phá nát chế độ độc tài này từ gốc rễ, và đồng thời kết mối thân tình với một nhóm quân kháng chiến.
Wolfenstein: The New Order đã hồi sinh dòng game này chỉ với cốt truyện đầy tính nhân văn. Và cũng nhờ vậy mà game thủ mới dễ đồng cảm và thấu hiểu nhân vật chính hơn, còn bắn súng chỉ là yếu tố phụ mà thôi. Kết quả là The New Order dễ dàng trở thành một trong những tựa game xuất sắc nhất 2014 một cách đầy thuyết phục.
Metro: Last Light
Trong vòng 10 năm qua, series Metro được đánh giá cao là nhờ có gameplay tiếp cận được nhiều game thủ. Dòng game này được phát triển dựa theo tiểu thuyết của nhà văn người Nga tên là Dimitri Glukhovsky, lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế sau vụ nổ hạt nhân.
Trong các đường hầm phía dưới thành phố Moscow hoang tàn là những kiếp người đang cố gắng sinh tồn qua từng ngày. Họ cũng có chia bè kết phái, tạo nên cốt truyện vô cùng ảm đạm. Và cũng chính nhờ bầu không khí đầy ám ảnh này mà game lại càng thu hút fan FPS nhiều hơn.
Phần đầu tiên ra mắt vào năm 2010 với tên gọi Metro 2033. Tuy rất đáng để chơi nhưng điểm yếu của nó là cơ chế hành động lén lút lại không được đầu tư cho lắm, cộng với đó là màn hướng dẫn khá là “tù túng” làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của game thủ. Ba năm sau đó, 4A Games quyết định làm tiếp phần sau với tên gọi Metro: Last Light, và may mắn là nó đã vượt được cái bóng của người tiền nhiệm.
Phiên bản năm 2013 này được cải thiện rất nhiều so với phần trước, kể về những mối quan hệ khăng khít, những cuộc chạm trán nghẹt thở, và quan trọng hơn hết là cho người chơi thấy được mặt xấu xa của con người. Bên cạnh đó, thế giới trong game cũng chi tiết hơn và được đầu tư kỹ lưỡng hơn, giúp game thủ cảm nhận rõ khung cảnh đầy tro tàn của một nền văn minh.
Borderlands 2
Sau khi chấm dứt series Brothers In Arms, Gearbox tiếp nối với dòng game Borderlands. Đây có thể xem như là dòng game hiếm hoi có cơ chế bắn súng loot đồ được thiết kế chuẩn chỉnh, trong khi những game cùng thể loại thì toàn “hút máu” người chơi.
Ngay từ lúc khởi đầu, Borderlands đã tạo dựng được tên tuổi trong thế loại bắn súng loot đồ nhờ có kho vũ khí muôn hình vạn trạng, được ẩn giấu ở rất nhiều nơi trên bản đồ. Phiên bản đầu tiên ra mắt năm 2009 giành được nhiều lời khen ngợi nhưng vẫn còn tồn đọng một số hạn chế nhất định. Thế là phần 2 ra mắt vào năm 2012, và nó đã sửa được phần lớn những sai lầm từ bản trước.
Borderlands 2 đã tiếp thu những góp ý từ game thủ, kết hợp nó với những tính năng vốn được fan yêu thích trong phần 1 và tiếp tục “bung” nó ra nhiều hơn nữa. Nhân vật thì có cây kỹ năng đa dạng, vũ khí thì sáng tạo vô bờ bến, còn lời thoại thì nghe đến đâu là cười sái quai hàm đến đó.
Chơi một người đã đủ cười té ghế, nếu vẫn chưa đủ “ép phê” thì bạn có thể rủ thêm 3 người bạn nữa vào chung hội cho nó thêm phần xôm tụ. Kẻ địch và hệ thống level cũng sẽ được căn chỉnh lại cho phù hợp với nhóm của bạn, tạo sự mới lạ và thú vị trong mỗi màn chơi. Bên cạnh đó, đồ họa phong cách cel-shading cũng giúp phần chơi chiến dịch thêm phần sinh động, vui nhộn. Sau này, nhà phát triển tung ra thêm những bản mở rộng thì game lại càng sở nên hấp dẫn hơn nữa.
Far Cry 3
Đây là một trong những series đầu tay của Ubisoft, và ngay từ 2 phần đầu tiên thì game đã thu hút được lượng lớn fan. Điều khiến game này đặc biệt nằm ở chỗ là cứ mỗi phần mới, Ubisoft lại tạo cho nó một bối cảnh mới, theo phong cách mới.
Phần đầu tiên thì tập trung vào yếu tố combat trên một hòn đảo, phần 2 thì xoay quanh cuộc nội chiến khốc liệt tại châu Phi, còn phần 3 thì khai thác yếu tố tâm lý nhiều hơn. Trong Far Cry 3, bạn sẽ vào vai Jason Brody với nhiệm vụ giải cứu những người bạn thoát khỏi cảnh nô lệ. Đồng thời hợp tác với bộ tộc Rakyat để hạ bệ những kẻ đang thống trị trên hòn đảo.
Có thể nói đây là một trong những phần Far Cry được game thủ yêu thích nhất từ trước đến nay. Nó cho phép người chơi khám phá một hòn đảo nhiệt đới với rất nhiều thứ hay ho để tìm tòi. Kể cả nhân vật phản diện Vaas cũng được đầu tư kỹ lưỡng với tính cách khá là quái dị. Bên cạnh những cuộc đụng độ đầy chết chóc thì Far Cry 3 còn cho thấy Jason là một người bạn dũng cảm, dám dấn thân vào nơi rừng thiêng nước độc để giải cứu những người bạn của mình.
Brody tuy không tạo được mối liên kết quá rõ ràng với người chơi nhưng chúng ta vẫn thấy được con người thật sự của anh khi nắm trong tay quyền lực và địa vị mà trước đây chưa từng có được. Nhìn chung thì Far Cry 3 có rất nhiều thứ cho game thủ khám phá và trải nghiệm. Đồng thời cũng góp phần xây dựng cốt truyện thuyết phục hơn.
DOOM (2016)
Doom cũng là một trong những huyền thoại trong làng game FPS. Xuyên suốt các phần thì đến bản Doom 3 (2004) series này lại bắt đầu… chìm nghỉm. Trong lúc thể loại này bắt đầu có sự chuyển mình thì nhà phát triển cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định, chẳng hạn như làm sao để Doom phù hợp với thời thế. Cuối cùng, id Software đã quyết định quay trở về với phong cách “old-school”.
Doom (2016) đã không còn sử dụng phong cách bắn súng theo kiểu quân sự vốn đã quá phổ biến trong thể loại FPS. Thay vì áp dụng cơ chế tự hồi máu hoặc sử dụng vật cản để núp phía sau, game thủ giờ đây phải liên tục di chuyển để né đạn và tìm cách nã súng tiêu diệt kẻ địch. Đặc biệt, mỗi khi “lâm trận” là lại có một bản nhạc rock vang lên, càng làm game thủ cảm thấy phấn khích và tăng độ hưng phấn để tiêu diệt lũ quỷ.
Thay vì tập trung vào cốt truyện, bản Doom này dồn hết tâm huyết vào cơ chế combat đã tai đã mắt. Kết quả là id Software đã tạo ra một tựa game FPS với chế độ chơi chiến dịch có tiết tấu cực nhanh và máu lửa, khiến người chơi cảm giác như mình đang là một “kẻ hủy diệt” vậy. Đây không chỉ là một trong những tựa game có chế độ chơi đơn hoành tráng mà nó còn là bản reboot cực kỳ thành công.
Bioshock
Bioshock (2007) được xem như là người kế nhiệm của System Shock. Và nó đã nhanh chóng trở thành một trong những tựa game được yêu thích nhất trong năm 2007. Game có bối cảnh vào những năm 1960 với nhân vật chính tên là Jack. Sau khi trải qua một tai nạn máy bay thì Jack đã có cơ hội khám phá thành phố Rapture nằm sâu dưới đại dương. Tuy nhiên, cuộc vui chưa được bao lâu thì nó đã nhanh chóng biến thành cơn ác mộng.
Bạn sẽ phải đối mặt với những tên dị nhân lảng vảng xung quanh các hành lang và những gã khổng lồ chuyên thu hoạch một loại thuốc có tên là Adam thông qua một đứa bé nhìn khá là đáng sợ. Điều khiến tựa game này khác hẳn so với những trò bắn súng khác là nhờ vào cơ chế tùy biến cao, cho phép bạn tinh chỉnh sao cho phù hợp với phong cách của bản thân nhất.
Bạn có thể tận dụng các plasmid sấm sét, lửa… để tấn công kẻ địch, hoặc dùng chiêu xâm nhập vào tâm trí đối phương để kiểm soát tình hình. Càng chơi thì cốt truyện sẽ càng xuất hiện nhiều yếu tố thú vị, thôi thúc người chơi tiếp tục khám phá những bí ẩn đang nằm chờ phía trước. Môi trường trong game cũng được thiết kế rất chỉn chu, tạo bầu không khí choáng ngợp ngay từ khi bạn bước chân đến thành phố này. Tính đến thời điểm hiện tại thì đây vẫn là một tuyệt tác trong làng game các bạn ạ.
Half-Life 2
Half-Life 2 thì đã quá nổi tiếng luôn rồi. Sau khi ra mắt huyền thoại Half-Life vào năm 1998 thì Valve thừa thắng xông lên với Half-Life 2 (2004). Trong phần này, nhà phát triển đã đầu tư rất nhiều vào khoản biểu cảm khuôn mặt, cơ chế vật lý trong game, và nhất là cốt truyện vô cùng liền mạch. Từ đầu tới cuối game, bạn sẽ có toàn quyền điều khiển nhân vật chính mà không hề có cảnh cutscene làm gián đoạn phần chơi chiến dịch.
Game có bối cảnh 20 năm sau phần đầu tiên, lúc này thì Gordon Freemanđược đánh thức và bước vào một thế giới đầy u ám, khi mà con người đang bị lũ Combine thâu tóm. Thế là Gordon lại mặc bộ giáp HEV và cùng hợp tác với Alyx Vance tiêu diệt lũ ngoài hành tinh kia. Gordon sẽ phải làm những nhiệm vụ trải dài từ nội thành ra đến tận bờ biển, sau đó vòng ngược trở về khi quân kháng chiến Lambda bắt đầu đẩy mạnh việc chống lại các mối đe dọa.
Có thể nói Half-Life 2 là tựa game tiệm cận của hoàn hảo. Những bản mở rộng sau đó càng làm củng cố thêm vị trí này trong thể loại FPS nói riêng và ngành công nghiệp game nói chung.
Halo 3
Halo 3 là một trong những tựa game thành công nhất vào thời điểm ra mắt năm 2007. Nó được rất nhiều fan săn đón, và Bungie đã không làm mọi người thất vọng. Với câu tagline: “Finish The Fight” (tạm dịch: Kết thúc trận chiến), Halo 3 đúng nghĩa là phần gói gọn và kết thúc mạch truyện của bộ series.
Trong phần này, Master Chief sẽ đối đầu với bọn Covenant lẫn Flood lần cuối cùng. Và thế là Bungie đã tạo ra 9 màn chơi đầy cam go nhưng cũng không kém phần kịch tính, thú vị. Game thủ tỏ ra hứng thú với bản này là vì được sử dụng nhiều loại vũ khí mới, đối đầu với những kẻ địch vô cùng khó xơi và AI trong game cũng được tinh chỉnh rất công phu. Cách mà kẻ địch, xe cộ, đồng đội, vũ khí, trang bị… tương tác với nhau đều được đầu tư rất tỉ mỉ. Đây cũng chính là lý do vì sao fan lại yêu thích series Halo đến thế.
Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tài hoa của Bungie. Trong khi phần 1 có một số màn chơi hơi nhàm chán, phần 2 có thời lượng ngắn và kết thúc hụt hẫng, thì phần 3 cân bằng hài hòa giữa yếu tố combat và kết thúc đầy thuyết phục.
Call of Duty 4: Modern Warfare
Sau những lần chu du ở những thời điểm trong quá khứ, Call of Duty cuối cùng cũng bước sang bối cảnh chiến tranh hiện đại với phần game Call of Duty 4: Modern Warfare. Trong game, các bạn sẽ theo chân một nhóm binh lính đang cố gắng truy lùng nhà độc tài của vùng Trung Đông AI-Asad và tên tài phiệt người Nga có tên là Zakehev.
Những gì xảy ra tiếp theo trong cuộc hành trình chẳng khác gì một chiếc tàu lượn siêu tốc sẽ cuốn bạn đi từ những pha hành động nghẹt thở này đến pha hành động nghẹt thở khác. Nhưng đặc biệt phần 4 này vẫn giữ được “câu thần chú” của dòng game Call of Duty, đó là không một người lính nào phải xông pha trong đơn độc.
Chế độ chơi đơn của Modern Warfare được mô phỏng dựa trên các thể loại kịch tính cổ điển. Cụ thể trong game nếu bạn vào vai Soap MCTavish – người đề ra chiến dịch của SAS, thì bạn sẽ phải động não và đưa ra các quyết định quan trọng, chính xác tuyệt đối để chiến dịch có thể được tiến hành trơn tru. Còn nếu bạn vào vai Trung sĩ Paul Jackson, bạn sẽ được tham gia vào các cuộc tấn công trực diện mang tính hành động kịch tính hơn rất nhiều.
Cũng bởi vì sự sắp xếp xen kẽ giữa 2 vai này đã khiến cho Modern Warfare tạo ra một nhịp độ game vô cùng tuyệt vời.
Nói chung, phần chơi đơn của Call of Duty 4 đã tạo được ấn tượng rất tốt đối với người chơi. Điều này không những giúp nâng thương hiệu của tựa game này lên một tầm cao hơn, mà còn trở thành một tiêu chuẩn cho các tựa game có phần chơi đơn sau này học hỏi theo.