More
    HomeDu lịchNhững câu truyện về Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

    Những câu truyện về Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

    Rate this post

    LÀM SAO LO CHO CÁC CHÁU ĂN NO, CÓ QUẦN ÁO MẶC

    Tháng 8-1945, Ủy ban Cách mạng họp ở đình Tân Trào, có đại biểu khắp nơi đến dự để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc. Bác Hồ và các đại biểu đang ngồi họp ở đình Tân Trào thì đồng bào địa phương – đại biểu các dân tộc Tày, Trại, Nùng đến chào mừng, thăm hỏi. Hôm đó có khoảng 2, 3 em nhỏ chừng ba bốn tuổi trong xóm ra chơi trước đình.

    Các em đều xanh gầy, bụng ỏng, đít beo, lại trần truồng, lấm lem, đi chân đất. Bác Hồ trông thấy rất thương, xúc động, chỉ các cháu, Bác nói với đại biểu đến dự đại hội Tân Trào:

    Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc. Câu nói đó của Người mãi mãi ghi sâu trong trí nhớ mọi người có mặt trong buổi họp và ai cũng thấy có trách nhiệm thiêng liêng chăm lo cho đời sống trẻ em được no cơm, ấm áo.

    Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trích trong sách: Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.CTQG, H.2007, tr. 187-188.

    MÁI ẤM NÀ LỌN

    Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 9 năm, Việt Bắc vừa là khu căn cứ địa cách mạng, vừa là nơi chiến trường. Giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, cho tàu chiến chạy dọc sông Lô, đánh lên đôi bờ rồi đóng đồn ở một số nơi thuộc vùng rừng núi phía Bắc.

    Cuối tháng 7 năm 1947, giặc Pháp đánh rộng ra, mấy tỉnh Việt Bắc đã trở thành nơi giao tranh quyết liệt giữa ta và địch. Nhiều gia đình bị phân tán, bị tan tác, một số em nhỏ chạy vào rừng, thế là bị mất liên lạc với bố mẹ, người thân. Các em thành trẻ mồ côi, bơ vơ, không nơi nương tựa. Một số gia đình và các đoàn thể thương tình, đón các em về nuôi, để các em có điều kiện đi tìm lại gia đình mình.

    Lúc ấy, cơ quan Bác cũng vừa chuyển từ Tuyên Quang sang Định Hoá, Thái Nguyên. Chỗ ấy đóng quân vừa kín đáo vừa thuận lợi.

    Bác cử cán bộ và các đồng chí bảo vệ đi tìm các em về. Sau nhiều ngày lặn lội, đi đến từng thôn xóm, anh chị em đã tìm được một số cháu, gom lại, lập trại nuôi dưỡng. Trại này không xin tiền gạo của Chính phủ, vì lúc ấy Chính phủ kháng chiến cũng nghèo. Bác kêu gọi một số cơ quan bớt gạo, bớt khẩu phần để góp vào nuôi các cháu.

    Bác bảo các chú, các cô phụ trách trại nên vỡ đất để trồng hoa mầu, trồng mấy thứ rau xanh và nuôi gà để tạo nguồn thực phẩm, đồng thời khuyến khích các cháu tham gia lao động tùy theo sức của mình.

    Thời ấy, các em được học chữ lại được học cả “mấy môn quân sự” nữa. Học quân sự là dậy sớm tập thể dục, tập chạy, học cách sinh hoạt có giờ giấc, đồ dùng cá nhân luôn luôn gọn ghẽ để khi có lệnh là sẵn sàng di chuyển.

    Cái trại luôn được “quân sự hoá” đứng trên một quả đồi có tên là Nà Lọm, thuộc xã Phú Minh. Trại là mái ấm của một gia đình gồm 35 em. Sống tập trung, nên các em có ý thức tôn trọng nội quy và thương yêu giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong lao động sản xuất.

    Cơ quan Bác đóng gần trại nên các cán bộ có điều kiện thường xuyên đến trại giúp đỡ các em. Vừa dạy các em học chữ, vừa chăm sóc sức khoẻ cho các em, những em ốm đau được chữa trị chu đáo. Bác rất vui khi được biết: Các em đều khoẻ mạnh, được ăn no, được học chữ, và một số em đã biết được tin tức của gia đình.

    Bác chuyển đến ở trại đó một thời gian. Các em có biết đâu rằng chính Bác bảo lập trại đó để nuôi dạy các em và Bác đã ở trại đó 25 ngày. Suốt thời gian ở trại, Bác cũng nằm trên giường nứa của các em nằm, cũng làm việc trên bàn tre của các em học…

    Sau mấy năm sống ở trại, các em lớn đã xung phong nhập ngũ, trở thành những chiến sĩ lập được chiến công khi vào trận. Một số em sau này là cán bộ, là công nhân.

    Trại Nà Lọm đã trở thành một địa danh rất đáng nhớ, trở thành một cái tên thân quen mà nhiều em đã ghi vào những trang sổ tay của mình. Sau này, một số em khi đã trở thành cán bộ, công nhân, chiến sĩ quân đội đã có dịp trở lại thăm “mái ấm ngày xưa”. Với 35 em nhỏ đó, có lẽ, đây là một kỷ niệm đáng nhớ đến suốt đời.

    Trích trong sách của Tạ Hữu Yên: Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh, Nxb.Thanh Niên, H.2002, tr.14-16.

    TÌNH THƯƠNG LỚN

    Trong kháng chiến chống Pháp, nơi chiến khu Việt Bắc có một trường mẫu giáo của quân đội – Lúc ấy gọi là Trại mẫu giáo. Một lần Bác đến thăm trại mẫu giáo này. Trưa rừng mát mẻ, có tiếng suối reo, tiếng chim hót lại thoang thoảng hương thơm của các loài hoa trên vách núi. Bác cầm tay các cháu nói nựng, hệt như ông nội đi xa về thăm đàn cháu ngoan của mình.

    Trưa ấy, Bác nghỉ tại trại. Buổi trưa yên ắng, nhưng thỉnh thoảng Bác có nghe tiếng ho của một cháu nhỏ. Lúc dậy, Bác hỏi cô Phan Thanh Hoà, người phụ trách các cháu:

    – Trưa nay, Bác nghe cháu nào ho nhiều thế?

    Cô Hoà lễ phép:

    – Thưa Bác, cháu Bích Nga đấy ạ! Cháu ho mấy ngày rồi, trại đã cho cháu uống thuốc nhưng chưa khỏi hẳn.

    Nghe xong, Bác dặn:

    – Các bé như búp măng non, cháu chăm sóc các bé cho thật chu đáo. Ở rừng trời lạnh, các cô nhớ cho các bé mặc ấm.

    Hôm sau, trại nhận được một chai mật ong gửi cho các cháu để chữa ho. Đây là chai mật ong nguyên chất của đồng bào Cao Bằng gửi tặng Bác, nhưng Bác lại dành để cho các cháu.

    Trưa rừng, chỉ một tiếng ho của cháu nhỏ cũng làm Bác thao thức. Thế mới hiểu, Bác quan tâm đến lứa tuổi măng non như thế nào.

    Lại nhớ đến lời kể của nghệ sĩ Ái Liên về Bác. Có một lần, Bác cho chú bảo vệ đến nhà chị để đón Ái Xuân, Ái Vân vào với Bác. Bác cháu gặp nhau chuyện trò khúc khích. Dạo ấy, gia đình nghệ sĩ Ái Liên đi sơ tán. Gặp các cháu, Bác hỏi:

    – Ở nơi sơ tán các cháu ăn cơm có nhiều thức ăn không?

    – Dạ, có ạ!

    Bác lại hỏi:

    – Có thịt nhiều không?

    – Dạ, thịt cũng có nhiều ạ!

    Bác nói vui:

    – Chắc ăn vào phần tiêu chuẩn của má phải không?

    Hai chị em cùng cười. Sau đó, hai nghệ sĩ nhỏ tuổi này còn khoe với Bác là thích món bún ốc nóng bốc hơi, bán ở gốc cây trên hè đường nữa. Lúc hai chị em về, Bác cho kẹo và dặn:

    – Các cháu nhớ phần quà cho ba má và cho bé Ái Thanh nữa.

    Trích trong sách củaTạ Hữu Yên: Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh, Nxb.Thanh Niên, H.2002, tr.21-23.

    CÁI VÒNG BẠC

    Cao Bằng là địa phương mà Bác Hồ đã sống và làm việc nhiều năm, cũng là nơi Bác để lại nhiều kỉ niệm trong lòng bà con các dân tộc. Những câu chuyện về Người, về tình cảm của Người với nhân dân, đặc biệt là với các em nhỏ, luôn làm mọi người xúc động và nhớ mãi. Sau đây là một câu chuyện do bà con ở Cao Bằng kể lại về Bác:

    Do điều kiện công tác, sau hơn 2 năm, Bác Hồ mới có dịp trở lại một vùng cơ sở trước đây Người đã từng sống và làm việc. Thấy Bác về, bà con già, trẻ, gái, trai khắp bản ùa ra đón Bác.

    Trong số những người đứng vây quanh Bác lớp trong lớp ngoài hôm ấy có một em bé 2 năm trước đã từng quấn quýt bên Bác khi Người ra suối câu cá, hoặc lên nương cuốc đất trồng rau sau những giờ làm việc. Ngày Bác lên đường đi công tác xa, em bé đó theo ra đến đầu bản tiễn Bác. Trước lúc chia tay, Bác cúi xuống hôn má em và Người chưa kịp hỏi gì thì đã nghe em bé nói một câu rất tự nhiên:

    – Đến đâu thấy vòng bạc, Bác nhớ mua cho cháu một cái.

    Đối với em bé dân tộc miền núi Cao Bằng, được cái vòng bạc đeo cổ tay là điều rất thích thú. Bây giờ em bé đó đã qua tuổi nhi đồng, chững chạc, được học, đã biết đọc, biết viết, không còn vòi vĩnh, nũng nịu như ngày được bên Bác và chắc cũng không còn nhớ là mình đã dặn Bác Hồ mua cho cái vòng bạc.

    Bà con dân bản tiễn Bác lên đường đi công tác cách đây 2 năm cũng đã quên chuyện “Cái vòng bạc” ấy. Sau những lời chúc mừng thăm hỏi sức khoẻ dân bản, nhận ra em bé ngày trước đứng trong đám đông,

    Bác bước đến, từ từ mở nắp túi áo trước ngực, lấy ra chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em.

    Ngỡ ngàng giây lát, rồi nhớ ra lời dặn Bác 2 năm trước, em bé sung sướng quá, không giấu nổi xúc động, hai mắt cứ chớp mãi, líu cả lưỡi mới nói được:

    – Cháu… cảm… cảm ơn Bác!

    Một số người không có mặt hôm tiễn Bác lên đường đi công tác ngày trước, nay thấy vậy lấy làm ngạc nhiên và hỏi đồng chí giúp việc của Bác. Đồng chí này kể lại cho mọi người nghe là trên đường về Bác đã ghé vào một cửa hàng mua chiếc vòng bạc. Khi đồng chí hỏi, Bác giải thích như sau: “Các cháu khi đã nhờ mua cái gì tức là chúng nó thích cái đó lắm. Thấy có hại thì tìm cách giải thích cho các cháu hiểu; nếu không có hại thì không nên từ chối. Các cháu như tờ giấy trắng nhuộm đỏ thì đỏ, nhuộm xanh thì xanh, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa là mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ Tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người.”

    IvyBlue.vn
    IvyBlue.vn
    Tôi yêu đoá hoa Thường xuân xanh biếc!

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here

    ĐANG HOT

    Xem thêm

    - Quảng cáo -

    Mới nhất