Mộ kết là gì? Cách nhận biết mộ kết mộ trùng để chọn thời gian cải táng giúp tăng phúc vận tránh họa tai
Bởi quan niệm nếu làm đúng, tốt thì gia đình sẽ gặp mạnh khoẻ, may mắn và thành công trong mọi việc, quan trọng hơn nữa là ông bà, cha mẹ sẽ được an lành, siêu thoát. Với ý nghĩa như trên, thuật phong thủy cũng đã đưa ra những hướng dẫn để việc tổ chức cải táng mộ phần được thuận lợi, hợp lý.
Công việc đầu tiên khi tổ chức cải táng là kiểm tra mộ và chọn thời gian cải táng. Đây những là bước quan trọng để xác định xem phần mộ có thể cải táng được không, thời gian nào “đẹp”, không xung sát để tránh gây hậu họa cho con cháu.
Mộ kết là gì?
Mộ kết: Là mộ khi đặt vào vùng có trường khí tốt, đã quán Khí (tức là thu nhận được năng lượng của Địa Huyệt). Gia đình có mộ kết thường là đang làm ăn phát đạt, con cháu học hành, công tác đều tốt. Bản chất của việc kết mộ hiện chưa có một tài liệu nào nói cho rõ ràng cả, song trong quá trình đi khảo sát hàng trăm ngôi mộ, tôi có nhận xét như sau: Thường là do phúc phận của dòng họ tới ngày thịnh phát nên có thể do chủ định (Nhờ thầy địa lý đặt mộ) hoặc do vô tình (thường là trường hợp Thiên táng rất bất ngờ) đặt được vào trúng “Long huyệt” (hay còn gọi là vùng có năng lượng tập trung). Không phải chỉ có những “Long mạch” khổng lồ kết Huyệt mới có mộ kết. Nhiều trường hợp chỉ có một “con Long” nhỏ cũng đủ để kết mộ và gia đình của có mộ làm ăn rất phát đạt .
Cách kiểm tra mộ kết
Việc phân biệt mộ thường (có thể bốc hay di dời) với những ngôi mộ kết (tuyệt đối không được di dời) cần phải hết sức cẩn trọng. Có nhiều cách để xác định một kết như cảm xạ, ngoại cảm, cảm nhận trường Khí… nhưng cũng có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Những ngôi mộ kết thường đất ngày càng nở ra, làm cho ngôi mộ cứ to dần, nhiều khi to như một cái gò. Mặt khác, cây cối trên và xung quanh ngôi mộ thường rất xanh tốt (đây là biểu hiện của vùng đất có Sinh Khí). Tôi từng khảo sát một ngôi mộ kết tại Hà Tĩnh, người nhà đi thăm mộ, khi về vứt bỏ những đoạn thân của bó hoa cúc ra ven mộ, vài ngày sau những đoạn thân đó đã mọc ra những cây cúc hết sức tươi tốt. Người xưa cũng dùng phương pháp này để xác định Huyệt kết. Họ cắm những cành cây khô vào những phần đất nghi có mộ kết, nếu những cành khô đó nảy mầm xanh tốt thì gần như chắc chắn nơi đó có Huyệt kết.
Ngoài ra, có thể nhìn nhận một cách trực quan một ngôi mộ kết là những viên gạch, nhất là gạch men hay đá ốp vào mộ thường sáng bóng như có chùi dầu. Thông thường, các ngôi mộ ít chăm sóc lau chùi thường xuyên thường có bám một lớp bụi nhưng tại những ngôi mộ kết, ta thấy những viên đá hay gạch ốp vào luôn như vừa được chùi rửa sạch sẽ, sáng bóng. Một cách khác nữa là khi ngồi bên một ngôi mộ kết, ta cảm thấy như có một luồng hơi ấm áp, tràn đầy sinh lực thấm vào người, làm cho ta có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Khi mộ kết, thông thường kết từ chân lên tới đầu, cũng có vài ngôi mộ do kết cấu của “Long mạch” và của mộ sẽ kết theo chiều ngược lại. Mộ kết có các dạng kết như kết mạng nhện, kết tơ hồng, kết băng, kết chu sa… Có các màu từ xám đến trắng, hồng, đỏ như chu sa là loại mạnh nhất. Khi gặp trường hợp mộ kết, tốt nhất là để nguyên không được dịch chuyển vì sẽ gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống của dòng họ. Nếu bắt buộc phải di dời vì lý do nào đó phải có những phương thức của Huyền môn và Phong thủy rất phức tạp.
Một ngôi mộ kết.
Cách nhận biết mộ phạm trùng
Mộ phạm “trùng”: Một loại khác người ta thường hay nhầm với mộ kết là mộ bị phạm “trùng”. Có nhiều loại trùng nhưng biểu hiện rõ nhất tại mộ là xác chôn qua nhiều năm không tan. Có những khu vực có hàng loạt mộ chôn tới hàng chục năm xác cũng còn gần như nguyên vẹn. Nguyên nhân mộ phạm Trùng có thể do đặc điểm của khu vực đất bị bế Khí, có thể do người mất bị ung thư hay bệnh khác mà đưa vào người quá nhiều thuốc kháng sinh hay chất phóng xạ, còn một lý do nữa thường là phụ nữ, khi liệm quần áo bằng ni lon gây ra không có không khí để vi sinh vật trao đổi chất. Khi gặp trường hợp này phải có phương pháp hóa giải theo chỉ dẫn của thầy phong thủy.
Chọn thời gian:
Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải tháng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng. Tuy nhiên hiện nay, thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải táng lâu từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên.
Theo sách xưa để lại, thời gian tốt nhất trong năm để thực hiện cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Không ai làm đầu năm cũng như sau Đông Chí. Việc chọn ngày bốc và di dời mộ cũng rất quan trọng. Theo lịch Âm, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Tuy lịch xếp là vậy nhưng trong việc chọn ngày không phải cứ giở lịch ra thấy ngày 29 hoặc 30 đã là hết tháng. Ta cần phải căn cứ vào 24 tiết khí hay chỗ nào hòa trực (tức là hai trực giống nhau nằm kề ngày nhau), lúc đó mới sang tháng khác. Bởi vậy, nhiều khi đã sang tháng mới theo lịch 5-7 ngày mà vẫn phải tính theo tháng cũ. Nên để ý là đầu tiết bao giờ cũng đi liền 2 trực giống nhau, một trực là ngày cuối tháng, một trực là ngày đầu tháng. 12 trực là: KIẾN – TRỪ – MÃN – BÌNH – ĐỊNH – CHẤP – PHÁ – NGUY – THÀNH – THÂU – KHAI – BẾ, mỗi ngày là một trực. Các trực tốt nên sử dụng như sau: Trực Thành, trực Mãn đa phú quý. Trực Khai, trực Thâu họa không vong (họa không tới). Trực Bình, trực Định hưng nhân khẩu.
Một lưu ý nữa là khi coi ngày là:
Coi đám cưới phải theo tuổi chú rể, coi làm nhà phải coi theo tuổi người chồng; cô dâu hay vợ là phụ thuộc nên không bị ảnh hưởng gì. Coi ngày giờ tẩm liệm, chôn cất, bốc mộ thì phải coi theo tuổi của người chết. Như vậy, năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của người đã mất, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà vì trưởng nam là người phải gánh mọi sự may rủi. Tuổi và ngày nên chọn theo Tam hợp, Lục hợp, Chi đức hợp, Tứ kiểm hợp. Tránh các ngày Lục xung, Lục hình, Lục hại. Về Ngũ hành nên chọn ngày tương sinh hay tỷ hòa, tránh chọn ngày tương khắc. Tùy theo tháng mà khi bốc hay di dời mộ cần phải tránh thêm các ngày Trùng tang, Trùng phục, Tam tang, Thọ tử Sát chủ, Nguyệt phá, Thiên tặc Hà khôi…
Trong thực tế, nhiều khi thời gian để cải táng rất hạn hẹp, ví dụ như năm Giáp Ngọ có tháng 9 nhuận nên hầu như toàn bộ thời gian làm mộ chỉ gói gọn trong tháng 10 Âm lịch (ngày 1/11 Âm lịch là ngày Đông Chí – PV).Do vậy mà người ta có thể châm chước khá nhiều để có thể làm mộ trong tháng 10 âm lịch. Nếu so sánh ra ta thấy rằng: trong 2 trường hợp làm vào ngày tốt của tháng 9 và ngày xấu của tháng 10, ta vẫn chọn ngày xấu của tháng 10. Đứng về Lý khí mà nói, điều đó lại là hiển nhiên. Ngày Đông Chí là ngày cực Âm và là ngày có khí Nhất Dương sinh ra. Đặt mộ phần trong thời gian trước Đông Chí là vì lý do đó. Sau Đông Chí, khí Dương ngày càng tăng và khí Âm ngày càng giảm.