Thủ tục đăng ký kết hôn là một trong những đầu việc vô cùng quan trọng mà các cặp đôi phải chuẩn bị khi kết hôn. Việc nắm rõ những thủ tục đăng ký kết hôn sẽ giúp các bạn trẻ chấp hành đúng quy định của pháp luật. Bài viết này, sẽ giúp bạn giải quyết nỗi lo ấy theo trình tự từng bước cần chuẩn bị trước đám cưới
1. Điều kiện để đăng ký kết hôn
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Các bên không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn, gồm:
1.1.Vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn (tảo hôn):
Tảo hôn là khi lấy vợ, lấy chồng mà một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này, cụ thể:
+ Nữ kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi
+ Nam kết hôn khi chưa đủ 20 tuổi
1. 2. Tính tự nguyện kết hôn:
Việc kết hôn giữa nam và nữ không dựa trên tinh thần tự nguyện mà do Cưỡng ép kết hôn. Cưỡng ép kết hôn ở đây được hiểu là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
1.3. Kết hôn khi bị mất năng lực hành vi dân sự:
Theo quy định tại điều 22, bộ luật Dân sự 2015, một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi người đó do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Nếu một trong hai người tham gia kết hôn mà mất năng lực hành vi dân sự thì không được kết hôn.
1.4. Kết hôn giả tạo:
Theo khoản 11 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Những trường hợp trên không chỉ coi là kết hôn trái pháp luật, còn liên đới đến các nghĩa vụ pháp lý liên quan khác mà luật cư trú, luật quốc tịch mà Việt Nam điều chỉnh.
1.5. Lừa dối kết hôn:
Hành động được coi là lừa dối kết hôn bào gồm việc che giấu thân phận thật và những thông tin hôn thú cá nhân của mình;
1.6. Vi phạm chế độ một vợ một chồng:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ thì vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo quy định pháp luật.
1.7. Kết hôn cận huyết:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
2. Hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì?
Khi đi đăng ký kết hôn thì các cặp đôi cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Bản sao sổ hộ khẩu;
- Bản sao Chứng minh nhân dân;
- Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của phường xã, thị trấn thường trú; (hay còn gọi là giấy chứng nhận độc thân)
Nếu như một trong hai bên đã kết hôn một lần rồi thì phải có giấy chứng nhận của tòa án là đã ly hôn. Kèm theo đó là giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của địa phương.
3. Quy trình đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn.
Sau khi hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
Thủ tục đăng kí kết hôn tại địa phương khác
đối với thủ tục kết hôn đối với những người có địa chỉ thường trú trên hộ khẩu ở tỉnh, thành phố khác nhưng có mong muốn đăng ký kết hôn tại tỉnh khác thì hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên vợ hoặc chồng phải có tạm trú tại tỉnh đó. Và Phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cả vợ và chồng.
Thời gian có giấy chứng nhận kết hôn
Trong vòng 5-10 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trong trường hợp cần phải xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày. Khi hoàn thành thủ tục, Ủy ban phường (xã) sẽ cấp 2 bản đăng ký kết hôn, mỗi cô dâu và chú rể giữ một bản.
Có được kết hôn đồng giới không?
Đối với hôn nhân đồng giới – Luật hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Đây là một bước thay đổi lớn trong tư duy của những người làm công tác lập pháp về người đồng tính. Qua quy định này cho thấy pháp luật đã thay đổi cách nhìn với hôn nhân đồng giới. Pháp luật không nghiêm cấm một cách cứng nhắc như trước đây mà chỉ không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới. Do đó, các cặp đôi đồng tính vẫn có thể tổ chức đám cưới trên thực tế, vẫn được chung sống với nhau nếu có nhu cầu nhưng về mặt pháp lý thì sẽ không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Cùng với đó, Nghị định 110/2013/NĐ-CP cũng không quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giữa những người đồng tính.
Hiện nay, nhu cầu công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam là rất lớn. Các cặp đôi đồng tính tại nước ta đều kỳ vọng rằng pháp luật Việt Nam cho phép kết hôn đồng giới như 26 quốc gia khác trên thế giới. Những người trong cộng đồng LGBT đều khao khát được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên để Việt Nam chấp nhận hôn nhân đồng giới thì cần rất nhiều thời gian. Bản thân nước ta là nước có nền văn hóa Á Đông, nếu thừa nhận có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực với xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng duy trì nòi giống của gia đình. Hiện tại, mọi người tuy đã có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn về cộng đồng LGBT nhưng để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì lại là một vấn đề cần cân nhắc kĩ lưỡng.
4. Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư tại nước ngoài
Trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú của công dân Việt Nam.
Trường hợp hai công dân Việt Nam kết hôn với nhau ở nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn là Cơ quan đại diện Việt Nam (cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam) ở nước mà một trong hai bên nam nữ hoặc cả hai bên nam nữ là công dân Việt Nam tạm trú.
Khi đăng ký kết hôn mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài, là người Việt đang định cư ở nước ngoài hay giữa người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, bạn phải hoàn tất 01 bộ hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Hộ chiếu hoặc giấy CMND (đối với công dân Việt Nam)
- Bản sao hộ khẩu/sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam)
Đối với người nước ngoài đang cư trú cần chuẩn bị:
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như: giấy thông hành, thẻ cư trú, thẻ thường trú hoặc tạm trú hoặc chứng nhận tạm trú.
- Đối với các bản sao, nếu đương sự không có điều kiện để kịp chứng nhận sao y hợp lệ thì có thể xuất trình bản chính khi nộp bản copy để đối chiếu.
Khi đã chuẩn bị đủ bộ hồ sơ, một trong hai bên vợ hoặc chồng sẽ đến nộp trực tiếp tại ủy ban nhân dân phường xã (theo quy định mới), nơi công dân đó đang thường trú. Thời hạn giải quyết đăng ký kết hôn là 25 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
Việc phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp để làm rõ nhân thân và sự tự nguyện kết hôn, mức độ hiểu nhau của hai bên. Thủ tục sẽ được tiến hành trong vòng 15 ngày kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ. Nếu có yêu cầu xác minh thông tin từ Sở Tư pháp đến các cơ quan công an, thời hạn giải quyết kéo dài không quá 10 ngày làm việc
Sau khi phỏng vấn, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, ý kiến của cơ quan công an, Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn cho UBND tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản từ Sở Tư pháp, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận kết hôn và trả lại cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.
Trong vòng 05 ngày tiếp theo khi nhận được giấy chứng nhận, buổi lễ đăng ký kết hôn sẽ được tổ chức long trọng tại Sở Tư pháp. Hai bên cần có mặt để ký vào giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn. Mỗi bên vợ hoặc chồng sẽ được trao 01 bản chính của giấy chứng nhận kết hôn.