Với “nguồn cung” gần như vô tận, chất thải con người có thể là “kho báu” trong tương lai.
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) vừa nghiên cứu thành công khả năng trích xuất các kim loại quý từ chất thải con người và “phục hồi” lại giá trị cho chúng. Phát hiện này được kì vọng vừa có thể tạo ra hàng triệu USD vừa bảo vệ môi trường.
Theo Kathleen Smith đến từ USGS cho biết, họ đã phát hiện được “dấu vết” của các kim loại quý như vàng, bạc và bạch kim “ở mức độ tối thiểu” khi phân tích và xử lí phân người tại nhà máy xử lí chất thải của Mỹ.
Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện trong vòng 8 năm, USGS cho biết trong 1 kg phân có khoảng 0,4 mg vàng, 28 mg bạc, 638 mg đồng và 49 mg vanadium. Ngoài ra, còn một số các chất có hại cho môi trường, đặc biệt là chì.
Mặc dù có trữ lượng cực nhỏ nhưng với số lượng người trên Trái đất đã vượt qua con số 7 tỉ, việc khai thác vàng từ phân người là hoàn toàn khả thi. Chỉ riêng với nước Mỹ, thống kê cho thấy có tới hơn 7 triệu tấn chất thải hữu cơ rắn được xử lý từ phân người; khoảng 60% trong số đó được sử dụng làm phân bón, còn lại bị đốt hoặc chôn.
Một vấn đề đang khiến các nhà khoa học “khó nghĩ” là làm sao để thu thập các kim loại có giá trị với số lượng lớn. Họ dự định sẽ áp dụng quy trình chiết xuất khoáng sản đang được sử dụng nhiều tại các nhà máy khai thác mỏ để tách kim loại quý ra khỏi phân.
Điều này sẽ mang tới hai cái lợi trước mắt là có thể vừa thu được kim loại có giá trị, vừa có thể làm cho phân người bớt các độc tố có hại khi sử dụng bón cho đất đai. Tuy nhiên, các hóa chất dùng để tách vàng lại cực kì nguy hiểm và có thể tàn phá môi trường sinh thái mạnh hơn nếu rò rỉ ra ngoài.
Vậy do đâu trong cơ thể con người tồn tại các kim loại quý? Theo các nhà khoa học, việc chúng ta sử dụng các hóa mĩ phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa… và cả áo quần là nguyên nhân. Trong các chất tẩy rửa này luôn tồn tại một hay nhiều các kim loại quý kể trên và nó thâm nhập vào cơ thể người thông qua da hay vô tình nuốt phải. Cuối cùng, nó bị hệ tiêu hóa đào thải ra ngoài.
Đây không phải là lần đầu tiên có nghiên cứu liên quan đến việc khai thác kim loại quý từ chất thải. Trước đó ít lâu, một cơ sở xử lý nước thải ở Tokyo đã bắt đầu chiết xuất vàng từ bùn với tỉ lệ vàng tìm được tương đương với các mỏ vàng hàng đầu.
Báo cáo đã được trình bày tại Hội nghị và triển lãm quốc gia lần thứ 249 của Hội hóa học Mỹ ở Denver, bang Colorado, đang diễn ra từ hôm nay cho đến hết ngày 26/3.
Sản xuất thịt nhân tạo từ … phân người
Theo tờ Daily Mail, tiến sĩ Mitsuyuki Ikeda và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu phát hiện, phân mà con người thải ra vẫn còn rất nhiều protein chưa được hấp thụ hết và rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Họ đã tiến hành tổng hợp các protein này để tạo ra một loại thịt nhân tạo, có màu sắc đỏ như thịt tự nhiên và được tăng hương vị của đậu nành.
Loại thịt nhân tạo này có thành phần gồm 63% protein, 25% carbohydrate, 3% chất béo và 9% chất khoáng. Nó cũng đã được thử nghiệm làm nhân của một loại bánh mỳ kẹp thịt. Kết quả, những người ăn cho biết loại thịt này rất thơm ngon và có vị giống thịt bò.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, loại thịt nhân tạo như trên cũng có thể được tạo ra từ phân của động vật. Phương pháp tái chế sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do các loại chất thải gây ra.
Hiện tại, giá của loại thịt nhân tạo này vẫn cao hơn 10 – 20 lần so với giá thịt bò được sử dụng để làm nhân bánh kẹp thịt thông thường do chi phí nghiên cứu cao. Tuy nhiên, tiến sĩ Ikeda hy vọng giá của loại thịt nhân tạo này sẽ giảm trong tương lai.
Một trở ngại cần giải quyết nếu loại thịt nhân tạo này được sản xuất là tâm lý sợ hãi khi những người tiêu dùng biết rằng họ có thể đang ăn loại thịt được tạo ra từ chất thải của chính mình.